Vì sao bạn nên làm trần nhà bằng thạch cao?

Ngày đăng: 28/10/2022 09:08 AM

         Có nhiều loại trần nhà, tuỳ theo điều kiện kinh tế và ý thích. Trước kia người ta hay dùng trần ván ép, rồi sơn hay dán simili, trần carton, cũng có một số nhà xưa người ta làm trần giả đúc bằng cách đổ vữa xi măng lên trên các tấm lưới sắt lỗ nhỏ, giống như đổ bê tông, cũng hai tám ngày dỡ cốt pha, trần này có ưu điểm là đẹp, bền theo thời gian nhưng hiện nay không còn dùng nữa.

         Cũng có khi người ta làm trần nhà bằng simili, đệm mút dành cho các phòng có kích thước nhỏ, sử dụng cách âm,... Trần nhà thông dụng hiện nay là trần nhựa hay trần thạch cao. Trần nhựa là các tấm nhựa ghép mí lại với nhau, có nhiều màu sắc như trắng, vàng, xanh; để cách âm, cách nhiệt người ta bỏ xốp lên trên. Trần nhựa có ưu điểm là đẹp, nhẹ, không sợ bị ố do mái dột, giá thành rẻ. Hiện nay, trần nhà cao cấp được ưa chuộng nhất là trần thạch cao.

    Trần thạch cao là gì?

         Trần thạch cao là trần được làm từ tấm thạch cao, được cố định bằng hệ khung xương vững chắc liên kết vào kết cấu chính của tầng trên. Loại trần này còn được gọi là trần giả, là lớp trần thứ hai nằm dưới trần nhà nguyên thủy.

    Kết cấu của trần thạch cao

         Trần thạch cao được kết cấu từ các lớp vật liệu bao gồm:

    - Khung xương thach cao: công dụng chính là làm khung trụ, chỗ bám để treo các mảnh thạch cao. Giúp gia cố, tăng tính chịu lực và kéo dài tuổi thọ của công trình.

    - Tấm trần thạch cao: tạo mặt phẳng cho trần, tấm được liên kết trực tiếp với hệ khung thông qua vít chuyên dụng.

    - Lớp sơn bả: tạo đỗ nhẵn mịn, đều màu cho bề mặt trần.

    - Các vật tư liên quan khác.

     

    Ưu điểm trần nhà thạch cao

     

         Trần thạch cao có ưu điểm là đẹp (giống như trần đúc), bền, mát, cách âm, tạo được hoa văn, chống phản xạ âm. Trần thạch cao là trần được lắp ghép bằng nhiều tấm thạch cao.. Hiện nay, trên thị trường có các loại tấm thạch cao của các nhà sản xuất: Việt Nam liên doanh, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật... Giá cả các loại này không chênh lệch nhau nhiều.

         Trần thạch cao được thi công như sau: từ trên xà gồ của trần mái tôn hay mái ngói, người ta cho định hình từng thanh nhôm kẽm bằng các sợi dây thép có đường kính tối thiểu 5 mm, bắt bát, ghép vít, tạo thành hình chữ nhật có kích thước khoảng 400x1000 (mm), sau đó ghép từng tấm thạch cao vào.

    Những điều cần lưu ý khi làm trần thạch cao:

     

         Tuy là bền và đẹp nhất so với các loại trần hiện nay nhưng trần thạch cao đặc biệt tối kỵ nước. Trước khi thi công ghép trần phải kiểm tra tuyệt đối mái tôn hay mái ngói không được có lỗ rò. Cần chú ý nhất là mái ngói, khi mưa có gió lớn tạt vào các khe hở của mái rất dễ bị nhỏ nước xuống trần, chỉ cần một ít nước nhỏ xuống là trần thạch cao sẽ bị ố vàng ngay, rất xấu xí. 

         Những nơi bị ố sẽ phải chà, trét mastic và sơn lại, và tất nhiên sẽ không đồng màu với trần nhà cũ. Thạch cao vẫn bị co ngót vật liệu, cho nên phải chấp nhận hiện tượng nứt trần ở các chỗ trét mastic (điều này thường xảy ra ở trần chìm), những vết nứt này có khi chỉ giống như một sợi tóc chạy ngang, nhưng sẽ tạo sự khó chịu cho chủ nhân và lâu ngày vết nứt sẽ lớn dần, mất thẩm mỹ. Trần thạch cao có tính bền vững, nếu thi công kỹ càng, mái không bị rò nước, trần nhà thạch cao vẫn còn đẹp sau 5 năm, và sau 10 năm mới hư hỏng.